
+ Không ban hành Nội quy, Quy chế tiếp công dân: Đa số các cơ quan ban hành Nội quy tiếp công dân và niêm yết tại trụ sở tiếp công dân, nhưng cũng có một số cơ quan, đơn vị không ban hành Quy chế Tiếp công dân trên địa bàn.
+ Không có Trụ sở, địa điểm, phòng tiếp công dân riêng; không phân công cán bộ, công chức tiếp công dân thường xuyên tại nơi tiếp công dân
Tại một số địa phương cấp xã không có phòng tiếp công dân riêng, không có cán bộ thường trực tiếp công dân. Mặc dù pháp luật tiếp công dân không quy định các cơ quan, tổ chức đơn vị phải bố trí phòng tiếp công dân riêng mà chỉ có trách nhiệm “bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa có phòng tiếp công dân. Phòng tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo cấp xã được bố trí chung với phòng họp của cấp xã. Việc tiếp công dân thường trực được bố trí cùng với phòng “một cửa”. Công dân đến khiếu nại không biết đến đâu (gặp trực tiếp Chủ tịch hay đến phòng một cửa). Điều này gây bất lợi không chỉ cho công dân mà ảnh hưởng trực tiếp đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, bởi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã không thể ngày nào cũng tiếp công dân. Cá biệt có đơn vị cấp xã đồng nhất tiếp công dân với thủ tục hành chính công.
Tại cấp huyện, một số đơn vị chưa bố trí được trụ sở tiếp công dân riêng. Trụ sở tiếp công dân được bố trí bên trong khuôn viên Uỷ ban nhân dân, không có phòng dành cho công dân ngồi chờ. Dân đến khiếu kiện phải đứng ngoài sân. Điều này rất bất tiện trong điều kiện thời tiết mưa gió. Tại trụ sở tiếp công dân, không có cán bộ thường trực và khóa cửa khi không có dân. Điều này hoàn toàn không tiện cho việc công dân đến khiếu kiện.
+ Không có thông báo lịch tiếp công dân: Theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan nhà nước phải thông báo lịch tiếp công dân. Lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan nhà nước được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan đơn vị. Căn cứ vào lịch tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan sẽ thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Tuy nhiên, một số đơn vị không có thông báo, không niêm yết lịch tiếp công dân.
+ Không trực tiếp tham gia tiếp công dân hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ: Mặc dù đã có lịch tiếp công dân, tuy nhiên đến ngày tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lại không tham gia tiếp công dân với nhiều những lý khác nhau (bận họp, bận đi công tác…); hoặc ủy quyền có cấp phó, hay cơ quan thanh tra và các cơ quan chuyên môn tiếp công dân.
Ngoài các hành vi vi phạm nêu trên, nhóm chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân còn có thể có các hành vi vi phạm khác như: tiếp công dân hình thức; thiếu sát sao trong công tác chỉ đạo, trong việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân, để xảy ra nhiều sai phạm.
– Nhóm các hành vi vi pháp luật của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân. Thực tiễn làm công tác tiếp công dân cho thấy cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân thường có những hành vi vi phạm sau:
+ Không mặc trang phục, không đeo thẻ công chức, viên chức theo quy định: hiện tại, cán bộ tiếp công dân được hưởng chế độ trang phục riêng theo Thông tư số 03/2016/TT-TTCP ngày 29/12/2016 của Thanh tra Chính phủ quy định về trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn dẫn đến việc mặc trang phục tiếp công dân không được thực hiện đồng bộ. Cán bộ tiếp công dân hưởng chế độ trang phục nhưng không mặc trang phục khi tiếp công dân.
+ Có thái độ không đúng mực khi tiếp công dân: Trong quá trình tiếp công dân, một phần do áp lực công việc, phần do lỗi công dân, cán bộ tiếp công dân không giữ được bình tĩnh có thái độ không chuẩn mực khi tiếp công dân. Cá biệt có trường hợp còn thách thức công dân khiếu kiện.
+ Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân: Có một bộ phận cán bộ tiếp công dân thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, bỏ vị trí tiếp công dân, không tham gia tiếp công dân hoặc tiếp một cách đại khái. Hành vi vi phạm này xảy ra đối với cả thủ trưởng cơ quan, người có trách nhiệm tiếp công dân và cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân.
+ Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: Hành vi này thể hiện ở việc cán bộ tiếp công dân ngoài thiếu trách nhiệm, còn có sự sách nhiễu, máy móc, vô tâm, không hướng dẫn, giải thích rõ ràng, hoặc hướng dẫn, giải thích một cách đại khái, qua loa khiến họ phải đi lại nhiều, gây nên ức chế cho một số người khiếu kiện.
+Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân: Hành vi này có xảy ra nhưng ít gặp.
+ Không vào sổ, ghi chép: Qua thị sát thực tế cho thấy một số cơ quan đơn vị không mở sổ ghi chép, theo dõi tiếp công dân; hoặc có sổ nhưng không đúng quy định, ghi chép không đầy đủ.