NHỮNG NỘI DUNG ĐƠN THƯ HAY GẶP Ở TRƯỜNG HỌC

  1. Công tác thu, chi đầu năm học

– Các thông báo thu tiền đầu năm học gửi đến CMHS phải có căn cứ thu, tên định danh các khoản thu theo đúng văn bản; không thực hiện gộp chung các khoản thu của trường và CMHS trong thông báo thu;

– Không để GV bộ môn, GVCN thu tiền trong học sinh và CMHS;

– Các trường chưa có Quyết định công nhận tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của Sở Giáo dục và Đào tạo mà đã thực hiện thỏa thuận thu trong CMHS khoản thu tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là chưa đúng quy định pháp lý;

– Biên bản Đại hội CMHS cấp lớp sơ sài, giản đơn, chưa đề cập đầy đủ đến các khoản thu thỏa thuận.

– Trong tổ chức thực hiện việc vận động đóng góp của CMHS, các trường còn nhầm lẫn và chưa phân định rõ nội dung hoạt động giữa kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 (gọi tắt Thông tư 55) và kinh phí hoạt động của quỹ Tài trợ giáo dục theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 (gọi tắt Thông tư 16) của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, các trường lưu ý vài điểm sau:

  • Nội dung chi trong Dự trù kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS theo quy định tại Thông tư 55 có 02 nội dung:
  • Một là, khoản chi trực tiếp cho học sinh bao gồm học sinh giỏi (cuối năm, cuối học kỳ), học sinh đạt giải trong các kỳ thi Olympic, thi học sinh giỏi cấp thành phố, TDTT, văn nghệ, v.v…; hỗ trợ, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, ngoan, giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, v.v… .
  • Hai là, khoản chi hành chính phí cho hoạt động của Ban đại diện CMHS như nước uống, giấy, mực, sổ sách, v.v. …
  • Các khoản chi này do Ban đại diện CMHS quản lý (có thể ủy quyền cho nhà trường giữ giúp) và do Trưởng Ban đại diện quyết định chi.
  • Nội dung chi trong Dự trù kinh phí hoạt động của quỹ Tài trợ giáo dục theo Thông tư 16 được đề cập tại Khoản 1 Điều 3 là chi cho “a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục”.

2. Công tác quản lý tài chính, tài sản.

Trong Quy chế chi tiêu nội bộ chưa thể hiện rõ nội dung chi từ các nguồn thu của nhà trường như khoản chi từ nguồn thu tiếng Anh bản ngữ, tăng cường tiếng Anh; chưa thực hiện dự toán các khoản thu thỏa thuận, thu hộ chi hộ để làm căn cứ đề ra mức thu với cha mẹ học sinh.

– Hoặc các nội dung chi cho hoạt động bán trú, các khoản thu, chi tiền Ngoại ngữ tự chọn, kỹ năng sống không đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của trường hay để dành lại % tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để điều tiết cho CBGVNV trong nhà trường và chi cho giáo viên dạy quá 200 tiết/năm, chi hỗ trợ thêm cho mỗi tiết dạy chính khóa;

– Hay sử dụng % tiền tổ chức bán trú để điều tiết và đưa vào quỹ dự  phòng bán trú; đề ra nội dung “hỗ trợ thêm mỗi tiết” nhằm chi điều  tiết cho các giáo viên, nhân viên không tham gia vào hoạt động tổ  chức dạy học 2 buổi/ngày;

– Có trường sử dụng tiền tổ chức dạy học 2 buổi ngày để chi trả một số tiết tự chọn được tổ chức dạy học theo Quyết định 16; Tất cả các biểu hiện nêu trên là thực hiện chưa đúng mục đích, chưa đúng quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
 –  Về hình thức công khai, khi thực hiện niêm yết, các trường chưa thực hiện biên bản niêm yết công khai, biên bản kết thúc niêm yết kèm các biểu mẫu. Việc thực hiện công khai tài chính chưa đầy đủ, chưa đúng theo biểu mẫu quy định.

3. Công tác tổ chức cán bộ và việc thực hiện chế độ chính sách trong hoạt động nhà trường

– Một vài trường có sự thay đổi nhân sự cán bộ quản lý nhưng chưa thực hiện hoặc chậm trễ trong việc tham mưu với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung thành phần Hội đồng trường; chưa thực hiện cập nhật điều chỉnh, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; một vài Tổ bộ môn đã đủ số lượng giáo viên nhưng trường vẫn ký hợp đồng thỉnh giảng giáo viên. 

– Có đơn vị thực hiện chi tiền phụ trội cho giáo viên chưa đúng theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 về Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

– Về hợp đồng lao động: các trường hợp sau đây là thiếu sót và không đúng các quy định được nêu tại Bộ Luật Lao động 2012 như:

+ Một người lao động có 02 hợp đồng cùng số, cùng ngày tháng năm nhưng loại hợp đồng khác nhau;

+ Tiêu đề các hợp đồng ghi là “Hợp đồng làm việc”;

+ Các hợp đồng lao động đều không thực hiện thử việc;

+ Không thực hiện ký hợp đồng lao động có thời hạn trước mà ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn ngay;

+ Hợp đồng lao động không ghi rõ mức lương, không rõ công việc cụ thể, ngày giờ làm việc.

4. Về công tác quản lý chuyên môn

Một vài trường xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ tập trung dạy văn hóa, là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Các tiết học ngoài nhà trường, ngoại khóa, hoạt động trãi nghiệm chưa gắn với Kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục của Tổ, của trường.

5. Về công tác tiếp công dân, giải quyết  khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật như Luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ở các đơn vị còn mang tính hình thức, trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo chưa cao, còn vụ việc giải quyết thiếu kịp thời, không đảm bảo thời gian, trình tự, thủ tục, công dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp; quá trình giải quyết vẫn còn sai sót.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.