Thương hiệu là tài sản vô hình có vai trò vô cùng quan trọng đối với người làm kinh doanh. Đối với một số nhà kinh doanh, việc không nắm rõ vai trò của thương hiệu gây ra thiếu sót trong xây dựng thương hiệu lâu dài dẫn đến khó cạnh tranh với các đối thủ xung quanh. Trong bài viết này, TƯ VẤN LUẬT HOÀNG NGHIÊM đem đến góc nhìn rõ ràng hơn về thương hiệu.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có một văn bản luật nào có thuật ngữ “Thương hiệu”. Tuy nhiên ta có thể hiểu Thương hiệu là dấu hiệu nhận biết, lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp trong muôn vàn các hàng hóa cùng loại khác. Thương hiệu góp phần duy trì và mở rộng thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nhất là khi có nhiều hàng hóa của nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thì việc các doanh nghiệp phải tạo cho mình và hàng hóa của mình những thương hiệu là điều hết sức cần thiết.
Nói cao siêu thì là vậy, nhưng chúng ta hiểu một cách đơn giản, thương hiệu chính là cái “tên gọi, cái khẩu hiệu hoặc biểu tượng” để khi nhắc đến người ta nhớ đến mình, biết tới đó là sản phẩm, dịch vụ của mình. Pháp luật thì chỉ bảo hộ cho những yếu tố mang tính phân biệt chứ không bảo hộ cho tên sản phẩm (như thế nào là tính phân biệt bài viết sau mình sẽ đề cập). Ví dụ, cùng là Bánh đậu xanh nhưng chúng ta có Bánh đậu xanh Hương Nguyên, Bánh đậu xanh Minh Ngọc, … thì những cái tên như Hương Nguyên, Minh Ngọc chính là thương hiệu. Và khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ cho thương hiệu của mình, chúng ta nộp dưới dạng Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Nếu không chú trọng vào thương hiệu, người kinh doanh sẽ gặp những khó khăn, rủi ro nào?
– Khó quảng bá sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường
Thực tế đến thời điểm này, khi hỏi những người làm kinh doanh vẫn còn quan điểm chỉ tập trung đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ sau đó mới quảng bá thương hiệu. Thật sai lầm khi giữ quan điểm như vậy, điều này làm cho sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chúng ta cung cấp trở nên mờ nhạt trong mắt khách hàng, họ khó hình dung về chúng ta. Bên cạnh đó không ít nhà kinh doanh có quan niệm xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn, chính điều này làm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị lép vế, yếu thế, chịu thiệt đơn thiệt kép nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
– Bị chiếm đoạt thương hiệu
Nhà kinh doanh đặt ra 1 cái tên rồi chăm chăm vào sản phẩm mà bỏ mặc những vấn đề pháp lý xung quanh cái tên đó. Đến khi phát hiện đối thủ kinh doanh cùng lĩnh vực đang sử dụng chính tên của mình, đến khi đi kiện mới phát hiện ra đối thủ đã đăng ký bảo hộ trước, vậy là nhà kinh doanh phải bỏ đi cái tên của sản phẩm đã dày công vun vén. Bài học từ những ông lớn trên thị trường vẫn còn đó, đơn cử như cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu quen thuộc không chỉ trong nước mà trên cả quốc tế, ông nhớn này bỏ quên không đăng ký thương hiệu ở một số thị trường nên đã bị đối thủ chiếm đoạt mất thị trường đó (Vụ này đọc báo đã có nhiều bài phân tích rõ lắm nha), hay ông khác như Bitis, mít sấy Vinamit … Bên cạnh đó, hàng ngoại nhập họ chú trọng vào thương hiệu họ sẽ dần thế chỗ mấy ông nội địa chủ quan.
Hay những ngày gần đây netizen xôn xao thông tin kênh Youtube triệu view của anh em Tam Mao bị kiện vì vi phạm bản quyền. Dẫn lời Mao đại ca chia sẻ để thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu:
“Chuyện là thế này. Anh em mình có kênh Tam Mao TV đã được gần 3 năm. Khi anh em mình làm YouTube thì không để ý đến việc đăng ký thương hiệu Tam Mao TV. Đến hôm nay tự dưng có ông nào đó vừa đăng ký thương hiệu Tam Mao TV vào tháng 4/2021 với Cục Sở hữu trí tuệ và giờ quay lại đòi bụp anh em mình”.
Vậy cho nên định khởi nghiệp làm gì hãy đăng ký thương hiệu trước, đừng nghĩ mình mới, còn nhỏ đợi cho lớn hẳn rồi đăng ký sau thì muộn rồi. Ai biết trước tương lai, thời tới cản không kịp đâu anh em ạ, định làm gì đăng ký trước cái thương hiệu làm của để dành.
– Bỏ lỡ cơ hội
Việc xây dựng thương hiệu giúp nhận diện sản phẩm, kết nối khách hàng, hướng khách hàng tập trung vào sản phẩm của mình. Với lý do, khách hàng luôn quan tâm tới các thương hiệu uy tín, có tên tuổi. Bên cạnh đó, khi thương hiệu đã được đăng ký, việc mở rộng thị trường cho nhà kinh doanh là điều không quá khó khăn.
Quá trình sử dụng hình ảnh thương hiệu của chính mình để quảng bá sản phẩm, song thương hiệu đó chưa được đăng ký, nhà kinh doanh có thể bị mất toàn bộ quyền đối với thương hiệu về tay người khác, như vậy đồng nghĩa với việc thị trường cũng mất. Và nếu có tranh chấp, kiện tụng xảy ra, chi phí cho một vụ việc như vậy rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với việc bỏ ra vài triệu đăng ký một cái thương hiệu cho mình ngay từ ban đầu.
Phân tích sơ sơ đã dài như vậy rồi, sợ bạn đọc không xem được hết. Cơ mà túm lại tiếc mấy đồng bỏ ra đăng ký thương hiệu đến cuối thành ra lợi bất cập hại anh em ạ.
Về quy trình đăng ký, giấy tờ, thủ tục ad sẽ đề cập ở bài viết sau nha.