
Ông Phạm Văn M, tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh hỏi: Năm 2020, Tôi và vợ đã là thủ tục ly hôn và được Tòa án nhân dân huyện Củ Chi ban hành Quyết định ly hôn và cho phép vợ tôi được trực tiếp nuôi con. Nhưng khi tôi đến thăm con thì mẹ của bé gây khó khăn không cho tôi gặp gỡ, tiếp xúc với con. Vậy tôi có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được không và pháp luật quy định việc này như thế nào?
Về vấn đề này, LUẬT HOÀNG NGHIÊM giải đáp như sau:
1. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được hiểu như thế nào?
Khi ly hôn nếu vợ chồng có thỏa thuận về việc nuôi con thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận sự thỏa thuận đó, hoặc trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho người bố hoặc người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên trong quá trình nuôi dưỡng nếu người trực tiếp nuôi con không đảm bảo cuộc sống cho con về vật chất và tinh thần thì người trực tiếp trông nom,nuôi dưỡng con sẽ bị thay đổi. Khi có căn cứ thì người có quyền có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
2. Căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?
Hiện nay pháp luật quy định các căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Như vậy sau khi ly hôn việc thay đổi người trực tiếp nuôi con có thể xảy ra khi cha mẹ cùng nhau thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để con có được môi trường sống tốt nhất. Ngoài ra, nếu không có sự thỏa thuận nhưng một bên có đủ chứng cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con thì có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét việc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định. Khi thực hiện thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với con từ đủ 7 tuổi cơ quan có thẩm quyền phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Ai có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con?
Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng có căn cứ cho rằng người trực tiêp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con thì những đối tượng sau đây được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
– Người thân thích;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Theo đó người thân thích gồm ông, bà, chú, dì, cậu, mợ… Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
4. Thẩm quyền giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con?
Theo quy định tại điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp hoặc yêu cầu về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Ngoài ra tại điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: ………………….
i) Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. ………………..
Như vậy nếu việc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo sự thỏa thuận của cha mẹ thì thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân nơi một trong hai bên cư trú, làm việc. Trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con không theo sự thỏa thuận của cha mẹ thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
- Trên đây là nội dung tư vấn chung theo quy định pháp luật. Đối với từng trường hợp cụ thể của Quý khách vui lòng liên hệ Luật Hoàng Nghiêm để được giải đáp
- Mail: hoangnghiemlaw@gmail.com
- Tel: 0975759085 – 0974996372